Cách phân biệt các loại giấy trong in ấn
Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại giấy in khác nhau. Mỗi loại lại có đặc trưng riêng về bề mặt, độ nhẵn, độ bóng, độ dày, mỏng… Để có những sản phẩm chất lượng, giá cả thấp nhất, phù hợp nhu cầu sử dụng thì việc lựa chọn chất liệu giấy in là điều đầu tiên khách hàng cần biết. Dưới đây là các loại giấy phổ biến được sử dụng trong in ấn:
1. Giấy Ford
Ford là loại giấy trắng phổ biến và thông dụng. Thường sử dụng để in tài liệu, scan tài liệu hàng ngày. Thường thấy nhất là giấy A4 trong các tiệm photo. Định lượng thường từ 70-80-90 gsm. Giấy ford có bề mặt nhám, bám mực tốt (do đó mực in không đẹp lắm) cũng được dùng làm bao thư lớn, bao thư nhỏ, giấy note, letter head (giấy tiêu đề), hóa đơn, tập học sinh…
2. Giấy Couche
Là loại giấy có bề mặt bóng, mịn, láng; khi in rất mắt mắt và sáng. Đây là loại giấy có độ cứng cao, khi in cho hiệu ứng đẹp mắt. Nó phù hợp với nhiều công nghệ in, đặc biệt là in offset. Thường dùng để in tờ rơi quảng cáo, in catalogue, tạp chí, in poster, in brochure …Định lượng vào khoảng 90-300g/m2.
Ngoài ra còn có Couche matt bề mặt mờ, không bóng nhưng bề mặt nhẵn mịn, đọc không bị chói. Thường để in hình ảnh người, chân dung cho hiệu ứng cao.
3. Giấy Bristol
Là loại giấy bìa (broad) không tráng phủ (uncoated) nhưng tráng láng 2 mặt cho in ấn đạt hiệu ứng cao. Bề mặt giấy được cán láng hoàn thiện nên hơi bóng, mịn, bám mực tốt vừa phải. Khá thích hợp cho in offset. Giấy in bristol thường được ép vài lớp giấy lại với nhau nên khá dày, nặng.
Thích hợp làm bìa bên ngoài hoặc ấn phẩm cần độ cứng cáp như thiệp, folder; in hộp xà bông, mỹ phẩm, dược phẩm, card,… định lượng thường thấy ở mức 230 – 350g/m2.
4. Giấy Ivory
Giấy Ivory cũng tương tự như Bristol, nhưng chỉ có một mặt láng, mặt còn lại sần sùi, thường nằm ở mặt trong sản phẩm. Thích hợp dùng làm bao bì thực phẩm hay túi giấy. Giấy được dùng làm bao bì thực phẩm thường phải được kiểm định an toàn thực phẩm khi được sử dụng làm vỏ hộp, vỏ bao bì thực phẩm.
5. Giấy Duplex
Có bề mặt trắng và láng gần với Bristol, mặt kia thường sẫm như giấy bồi. Thường dùng in các hộp sản phẩm kích thước hơi lớn, cần có độ cứng, chắc chắn vì định lượng thường trên 300g/m2. Thường tráng 1 hoặc cả 2 mặt. Không “ăn mực” màu sắc thể hiện không đẹp, rõ nét, cứng. Duplex thích hợp cho việc làm bao bì.
6. Giấy Crystal
Có một mặt rất láng, bóng gần như có phủ lớp keo bóng vậy, mặt kia nhám, thường xài trung gian giữa giấy Bristol và giấy Couche tùy theo mục đích yêu cầu sản phẩm…
7. Giấy can
Là giấy có khả năng thấu quang cao, nghĩa là có thể cho ánh sáng đi qua. Giấy thu được sau một quá trình lọc đặc biệt kỹ càng bột giấy trong quá trình simili sunphua hóa. Bột giấy để sản xuất giấy can thường là bột ngâm bi-sun-phat; các sợi giấy được cán nát, thủy phân lâu trong nước. Quy trình sản xuất giấy này tương tự như giấy giả da gốc thực vật (giấy sunphua hóa, giấy giả da) là loại giấy được tạo ra bằng cách ngâm trong vài giây một tờ giấy chất lượng tốt, không hồ cũng không phủ, trong một bể axit sunphuaric để thủy phân xenlulo từng phần sang amyloit, gelatin và không thấm nước hoặc mỡ. Giấy can bao gồm cả giấy can trong tự nhiên và giấy can màu.
8. Decal
Dùng để in Decal trong đó 1 mặt để in, mặt kia phủ keo. Không “ăn mực”. Nên cán màng bóng để tăng tone màu và bảo vệ lớp mực.
Ngoài ra còn có các loại giấy mỹ thuật, cán gân, dát vàng, bạc … dùng để in giấy khen, in giấy chứng nhận, thiệp cưới … các loại giấy than, giấy carton và nhiều loại khác nữa.
Việc lựa chọn cho mình đúng loại chất liệu giấy in vừa giúp cho bạn có 1 sản phẩm chất lượng cao, đạt tính thẩm mỹ mà còn tiết kiệm chi phí đáng kể. Nếu bạn vẫn đang băn khoăn chưa biết chọn được cho mình chất liệu nào phù hợp cho sản phẩm của mình, hãy để đội ngũ nhân viên tư vấn của chúng tôi giúp bạn. In de Charme hân hạnh phục vụ!